Tuesday, November 10, 2009

Rock Việt Nam có không? (Bài 1): Rock đã chết?

Rock Việt Nam có không?

Có lẽ không có thể loại âm nhạc nào gây ra nhiều tranh luận trên thế giới và cả Việt Nam như rock - một cái tên tưởng chừng rất đơn giản và dễ hiểu!

Như những đợt sóng trào, cứ lâu lâu, những câu hỏi về rock lại rộ lên trên các diễn đàn: Rock ra sao? Còn sống hay đã chết?

Và ngay cả câu hỏi “cũ như trái đất”: Việt Nam có rock không, hay rock Việt Nam có không, dường như chưa bao giờ tìm được câu trả lời thỏa đáng.


Ban nhạc Microwave

Bởi rock không đơn thuần là một thể loại âm nhạc, nó còn là một thế giới tinh thần, một văn hóa.

Một lần nữa, trong tuần qua, tại TP.HCM, các rocker (được mệnh danh hoặc tự nhận) và những người yêu thích, quan tâm tới rock đã cùng nhau ngồi lại, mặt đối mặt, trong một tọa đàm cởi mở xung quanh chủ đề: Việt Nam có nhạc rock hay không?

Chuyên đề tuần này xin dành cho những trao đổi mang tinh thần rock nói trên.

Tổ chức thực hiện: TT&VH

Hình ảnh: HƯƠNG TRÀ



(TT&VH Cuối tuần) - Rock is dead, đó là tên single CD phát hành năm 1999 của Marilyn Manson, một trong những tay chơi Industrial Rock quái dị nhất thế giới. Xuất hiện trong bộ phim bom tấn The Matrix phát hành cùng năm, Rock is dead tạo tiếng vang lớn và thông điệp “rock đã chết” lan truyền đi rất nhanh, gây chấn động làng nhạc rock thế giới.

Sốc, nhưng không mới, vì trong suốt chiều dài phát triển của rock, cứ khoảng mười năm, vấn đề “sống còn ” này được đặt ra một lần. Để sau đó, lịch sử lại điềm nhiên sang trang với sự xuất hiện của những “vị cứu tinh” và cả những “tội đồ”. 2009 là thời điểm khá thú vị để ngẫm lại lời “sấm truyền” của “nhà tiên tri” Marilyn Manson.

Trong một thập niên qua (1999-2009), rock đã phá vỡ những giới hạn cả về ý tưởng lẫn hình thức thể hiện, phát triển mạnh từ một loại hình âm nhạc “ngầm” mang nặng tính cá nhân, thành một loại hình âm nhạc thời thượng và trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Điều đáng chú ý là mặc dù phát triển mạnh như vậy, nhưng giữa một rừng “măng non” chen nhau mọc, sự trở lại của đám “tre già huyền thoại” như Rolling Stones, AC DC... vẫn chiếm lĩnh những đỉnh cao mà khó có “măng” nào vươn tới được.

Một thập niên không ngừng phát triển, “tội đồ” có lẽ cũng đã nhiều, nhưng ngôi vị “cứu tinh” thì hình như vẫn còn đang chờ “minh chủ”.

Phải chăng lời “sấm truyền” đã ứng ngiệm?

Phải chăng rock đã chết hay đang trong cơn vật vã cuối cùng của mình?


Marilyn Manson (giữa)

Tìm lời đáp từ lịch sử

Rock được sinh ra ở Mỹ từ giữa thập niên 1950, một đứa trẻ lai xinh đẹp giữa ông bố da đen R’n’B ( rhythm and blues) và bà mẹ “nhà quê” (country) da trắng. Rock đã sớm chứng tỏ được sức sống mãnh liệt tiềm ẩn của mình khi không ngừng biến đổi qua những hình thái khác nhau, từ Rock’n’ Roll ở thập niên 1950 cho đến soul ở đầu những năm 1960.

Trong kỷ nguyên âm nhạc Motown, rock như một mảnh đất màu mỡ được cày xới kỹ càng, chỉ đợi đến giữa thập niên 1960 - khi những hạt giống nổi loạn của những “kẻ xâm lăng” người Anh gieo xuống, thì bùng phát dữ dội thành cả một khu rừng rực rỡ đầy màu sắc.

Sau giai đoạn bùng nổ mãnh liệt, đến đầu thập niên 1970, rock lần đầu tiên đối mặt với “cái chết được báo trước” của chính mình, khi “chủ soái” của “đoàn quân xâm lăng người Anh”: The Beatles gục ngãtuyên bố tan rã, và tiếp theo sau là một loạt những cái chết đầy bi kịch cùng ở tuổi 27 định mệnh của những trụ cột hàng đầu : Jimi Hendrix, Janis Joplin và Jim Morrison.

Ngôi nhà rock chao đảo, nhưng với sự chống đỡ của các “cựu binh”: John Lennon, Paul Mc Cartney, Bob Dylan... và sự xuất hiện của những “cứu tinh” trẻ tuổi như: Bruce Springsteen, Billy Joel, Linda Ronstadt..., rock kéo dài được sự rực rỡ của mình cho đến cuối thập niên 70.

Đối với nhiều người, âm nhạc đích thực là âm nhạc của thập niên 1960 và 1970 - người ta gọi nó là kỷ nguyên vàng của nền âm nhạc thế giới. Rock cũng không ngoại lệ, với nhiều người, rock “nguyên chất” có lẽ đã chết, chết theo kỷ nguyên vàng của âm nhạc.


The Beatles

“Nguyên chất” hay “tạp chất”, đúng hay sai... còn phải bàn. Nhưng thời gian thì cứ trôi và lịch sử nhạc rock sang trang với một người hùng mới. “Vị cứu tinh” và đồng thời là “chủ soái” cuộc “xâm lăng của người Anh” vào Mỹ lần thứ hai: Sting và nhóm The Police, xuất hiện vào đầu thập niên 1980. Một “vị cứu tinh” hoàn toàn không thể chối cãi cả về tài năng, sức sáng tạo và tư tưởng.

Trong thập niên 1980 đã xuất hiện nhiều thể loại rock mới mang tính lai tạo và thử nghiệm như funk rock, reggae, punk... và đặc biệt là heavy metal. Được đánh giá như một “sự hứng thú được làm mới lại” của giới trẻ, Heavy Metal phát triển mạnh và phân thành nhiều nhánh khác nhau (glam, thrash,...). Sự đột phá “đến tận cùng những giới hạn” của metal và những lối mòn tư tưởng trong âm nhạc đã đặt rock, một lần nữa đối mặt với sự sụp đổ của chính mình vào cuối thập niên 80.

Như một vận động viên dẻo dai và giàu kinh nghiệm, rock vươn mình vượt qua chướng ngại vật trên đường chạy lịch sử, với sự xuất hiện một người hùng trẻ tuổi vào đầu thập niên 90: Kurt Cobain và nhóm Nirvana.

Điều hay là cứu tinh thường xuất hiện lúc ngặt nghèo, nhưng có lẽ vòng quay lịch sử không phải lúc nào cũng theo một đường tròn khép kín. Kurt Cobain, mặc dù được thừa nhận bởi một số đông như “vị cứu tinh”, nhưng đồng thời cũng bị “hắt hủi” bởi một số đông không kém khác, như một “tội đồ” của rock. Chỉ có một sự thật mà cả hai “số đông” kia đều phải gật đầu đồng thuận, đó là : Kurt đã khai thông một dòng chảy mới. Dòng chảy mang tên alternative, mà ảnh hưởng của nó đến giới trẻ mãnh liệt không kém bất kỳ dòng chảy nào trước đó của rock.

Alternative phát triển mạnh mẽ thành cả một trào lưu khoảng đầu thập niên 90, và sau cái chết của Kurt Cobain năm 1994 - cũng lại ở tuổi 27 định mệnh, nó trở nên âm ỉ cho đến tận bây giờ.

Theo dòng lịch sử, rock đã nhiều phen thay hình đổi dạng - như ở những thập niên 1950, 1960, sau đó được xem như đã chết, rồi lại bất ngờ hồi sinh - như ở những thập niên 1970, 1980. Có thể thấy, lịch sử luôn có những nút thắt - mở thú vị và đầy bất ngờ.

Vậy còn lời “sấm truyền”: “Rock đã chết!” vào cuối thập niên 1990 của Marilyn Manson? Quả thật nó làm cho những kẻ yêu rock hoang mang, vì đã qua một thập niên, anh tài cũng có nhiều, nhưng “cứu tinh” thì chưa thấy - kể cả những “cứu tinh -tội đồ” như Kurt cũng chưa xuất đầu lộ diện.

Có thể phải kiên nhẫn chờ đợi. Vì biết đâu vòng quay lịch sử quay chậm lại một nhịp, “vị cứu tinh” sẽ đến vào năm 2010. Vì biết đâu khi hội đủ điều kiện lịch sử, sẽ lại có một cuộc “xâm lăng âm nhạc” lần thứ ba của người Anh - hoặc một dân tộc nào khác - vào Mỹ.

Hay cũng rất có thể, rock đã chết thật rồi.


Rolling Stone

Chết hay là sự thoát xác?

Nếu có một ngày mà rock phải chết, thử tưởng tượng ngày đó thế giới sẽ ra sao?

Không quần jeans tả tơi. Không tóc dài bù xù. Không xe phân khối lớn mang trên yên sau những cô nàng xinh đẹp với cặp chân dài để trần và ánh nhìn hoang dại. Không rượu. Không thuốc. Không cả những “acid trip” thâu đêm. Rock nằm ngay ngắn trong cỗ quan tài ghép từ mảnh vỡ của những bộ trống quá khổ, chầm chậm diễu hành trong nhạc khúc tiễn đưa ủy mị thiếu vắng tiếng gầm rú của guitar điện. Và lẫn trong đám đông tiếc nuối, không thiếu những tiếng thở phào nhẹ nhõm. Thế là xong một đời.

Nhưng liệu như vậy đã đủ biết là rock chết thật chưa? Hay kẻ nằm đó chỉ là một “hình nhân thế mạng” thô kệch xấu xí? Chết là mất mát. Phải có một cái gì đó mất đi chứ. Nếu không phải là cái “hình nhân” xấu xí kia thì rock là cái gì, khuôn mặt thật nó thế nào?

Năm 1955, chàng thiếu niên 14 tuổi Bob Dylan khi lần đầu nghe “Rock around the clock” của Bill Haley - ca khúc khai sinh ra nhạc rock, đã xúc động thốt lên: “Hê! Nhạc của chúng ta đây, nó được viết cho chúng ta”. Không chỉ riêng Dylan, mà hàng triệu trái tim trẻ tuổi khác cũng đã rung lên theo nhịp điệu của một thứ âm nhạc mới mẻ và lạ lùng, thứ âm nhạc thể hiện những khát khao “vượt ngưỡng”, mà qua nó, người trẻ tìm thấy hình ảnh và tiếng nói thế hệ mình.

Từ đó, những người trẻ Mỹ đã lớn lên thật mạnh mẽ, không chỉ bằng sữa và bánh mì, mà bằng cả những âm thanh lạ lùng đó. Để rồi 9 năm sau, năm 1964, giữa cơn cuồng phong guitar điện và giọng hát gào thét kích động của những “kẻ xâm lăng” người Anh, gã trai trẻ Mỹ Bob Dylan đã điềm tĩnh cất cao giọng hát mộc mạc làm lay động lòng người. Giọng hát đưa những rung động của người trẻ vào những cung bậc thanh cao hơn, và đẩy lịch sử nhạc rock sang một trang mới huy hoàng hơn.

... Phải bao nhiêu lần ngẩng đầu nhìn lên, mới đủ để thấy bầu trời trong xanh.

Phải có bao nhiêu tai, mới đủ để nghe thấu tiếng khóc khắp nhân gian.

Phải có bao nhiêu người ngã xuống, mới đủ để nhận ra nhân gian đang chết.

Bạn tôi ơi! Câu trả lời cuốn vào trong gió!

(tạm dịch từ Blowin’ in the Wind - Bob Dylan)


Không tóc dài, không guitar điện, không trống dập. Chỉ có tinh thần tràn ngập mãnh liệt bằng giai điệu giản đơn và ca từ sâu sắc.

Bob Dylan thực sự đã làm một cuộc “thoát xác” ngoạn mục cho rock, khiến nó có thể tự nhiên trút bỏ đi cái vỏ ngoài hình thức, bộc lộ nội dung tinh thần một cách tinh tế và thuần khiết.

Từ cột mốc Blowin’ in the Wind, rock không còn đơn thuần là từ để chỉ một thể loại âm nhạc, mà rock là lối sống, là tinh thần, là tư tưởng.

Tạm khép một vòng tử sinh

Đã hơn 60 năm nhạc rock hình thành và phát triển. Có bắt đầu thì sẽ có kết thúc - đó là quy luật tự nhiên, nhưng cũng có thể là quá sớm khi nói đến kết cục khi những “vị cứu tinh” trẻ tuổi sẽ vẫn có thể đến để viết tiếp lịch sử.

Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, họ - những “vị cứu tinh” - sẽ không đến nữa, hay không cần phải đến nữa, vì nhạc rock rất có thể đã hoàn thành sứ mệnh của mình, khi vượt thoát khỏi cái nôi hình thức chật hẹp ban đầu để vươn mình thành một giá trị tinh thần của nhân loại.

Cho đến nay, tinh thần rock không chỉ thuộc phạm vi âm nhạc, nó xuất hiện trong mọi lĩnh vực nghệ thuật: văn học, điện ảnh, hội họa... cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội: bảo vệ môi trường, quyền con người...

Tinh thần rock thể hiện sự phản kháng tích cực đối với mọi giới hạn bó buộc tinh thần và sức sáng tạo của con người, phản ứng với sự chật hẹp dưới mọi hình thức, kể cả sự chật hẹp trong tâm hồn chính mỗi con người.

Và vì thế, nếu nhất định phải có một cái chết cho rock, có lẽ đó sẽ chỉ là một cái chết hình thức.

Tinh thần rock không thể chết.

No comments: