Truyền hình âm nhạc: Đường gần hóa xa Có một nghịch lý diễn ra từ nhiều năm nay trên các chương trình giải trí truyền hình ở Việt Nam: mặc dù CA NHẠC là chương trình phát sóng nhiều nhất nhưng để có một kênh truyền hình ca nhạc, một MTV Việt Nam, để “hòa mạng” với thị trường MTV khu vực và thế giới, thì cả chục năm qua vẫn cứ là “thì tương lai mịt mùng”, mà lâu lâu, để cho “đỡ buồn” lại có mấy thông tin “giật mình” kiểu ca sĩ A., nhóm hát B. chuẩn bị “tấn công MTV châu Á”! Tại sao lại MTV? Có nhất thiết phải MTV? Và nếu không phải MTV thì một kênh âm nhạc Việt Nam nào đủ sức thu hút sự quan tâm của những người yêu nhạc và là bệ phóng cho những sản phẩm âm nhạc Việt Nam cho thị trường trong nước cũng như thị trường khu vực và quốc tế?
|
(TT&VH Cuối tuần) - Nếu bạn là người yêu thích âm nhạc, nếu phương tiện giải trí chính của bạn là truyền hình, thì chắc hẳn những cái tên MTV, VH1, Channel [V] không hề xa lạ đối với bạn. Bài viết này, sẽ giới thiệu những nét đặc sắc của các “tay chơi” có tiếng trong thị trường truyền hình âm nhạc thế giới.
MTV - ngôi sao được sinh ra
MTV (viết tắt của Music Television - Truyền hình âm nhạc) là một trong những kênh truyền hình âm nhạc danh tiếng nhất. Ra mắt khán giả Mỹ vào ngày 1/8/1981, MTV gây sốc với đoạn clip giới thiệu có cảnh phi hành gia cắm cờ mang logo của kênh trên mặt trăng. Quả thật, MTV đã tiên phong trong lĩnh vực truyền hình âm nhạc. Video clip ca nhạc đầu tiên, được phát: Video Killed The Radio Star (tạm dịch: Video giết chết ngôi sao radio), rõ ràng, là một dự đoán cho việc MTV sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành công nghiệp âm nhạc.
Là bước đột phá của truyền hình, MTV ra đời sau những nghiên cứu kỹ lưỡng của công ty chuyên cung cấp dịch vụ giải trí WASEC. Đối tượng khán giả hướng đến của MTV là giới trẻ. Chìa khóa thành công của MTV chính là nguồn chương trình phong phú, trẻ trung, sáng tạo. Thậm chí, có những lúc, các hãng đĩa còn cung cấp miễn phí video clip ca nhạc, với hy vọng MTV sẽ quảng bá tốt cho thương hiệu và nghệ sĩ của họ.
MTV vỡ lòng
Phương thức trình bày của MTV thời kỳ đầu: video clip này nối đuôi video clip khác, trong một dòng chảy liên tục, khác hẳn với hình thức các chương trình truyền hình được tách biệt rạch ròi, ở những kênh khác. Độ lặp đi lặp lại của các clip, theo lịch xoay vòng, chia làm ba cấp: nhẹ, vừa và nặng, tùy theo độ “hot” hay mong muốn quảng bá của nhà sản xuất.
Hình thức này, thật ra, giống như chương trình Top 40 trên sóng radio. Thế nhưng, thế mạnh của MTV là phong cách hình ảnh. Phần hình ảnh, nhắm vào thị giác của khán giả, để làm tăng tính hiệu quả của phần âm thanh, thường đã có sẵn từ phòng thu. Nói một cách khác, chiến thuật ở đây là: ấn tượng thị giác sẽ bổ sung cho cảm nhận của thính giác.
Với chiến thuật đúng đắn, chẳng bấy lâu sau, MTV đã có đủ quyền lực để giúp ca sĩ, ban nhạc, bứt phá mạnh mẽ trên thị trường, hệt như điều mà radio làm được sau hàng mấy thập niên.
MTV đột phá
Điểm đột phá của MTV chính là ở phần kịch bản và khâu dàn dựng.
Đầu tiên, việc lồng một câu chuyện trong đoạn video clip rõ ràng đã nâng sức cuốn hút khán giả lên nhiều lần. Câu chuyện có thể tái hiện những gì lời bài hát truyền tải, cũng có thể dựa vào cảm xúc mà âm nhạc mang đến, từ đó dựng nên cuộc phiêu lưu với những hình ảnh và kỹ xảo độc đáo. Ví dụ như Sledgehammer của Peter Gabriel, sử dụng kỹ thuật hoạt hình dừng-động gây ấn tượng thị giác mạnh.
MTV thật sự trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm clip ca nhạc gieo lên đó những ý tưởng độc nhất vô nhị. Có thể kể đến những clip được đạo diễn bởi Spike Jonze, Michel Gondry và Chris Cunningham.
Bên cạnh đó, những nhà làm clip cho MTV còn mời diễn viên/người mẫu chuyên nghiệp để tăng chất lượng diễn xuất và độ thu hút khán giả. Chẳng hạn, Aerosmith mời Liv Tyler cho vai nữ sinh trong Crazy hay Fat Boy Slim mời Christopher Walken, nam diễn viên từng thắng giải Oscar, cho video clip Weapon of choice.
Biên đạo cũng là một phần quan trọng trong những clip ca nhạc của MTV. Không ai có thể quên được điệu nhảy Thriller đầy ma lực của Michael Jackson được phổ biến nhờ bệ phóng MTV. Hay một Paula Abdul có khả năng tự biên đạo cho mình cũng khó nổi tiếng nếu không nhờ MTV quảng bá.
Sự kết hợp giữa kịch bản sáng tạo, kỹ thuật dựng hình và dàn dựng độc đáo hội tụ thành điều kiện hoàn hảo để MTV trở thành nơi cung cấp những sản phẩm văn hóa có ảnh hưởng trên diện rộng. Một trong những minh chứng là trường hợp của ban nhạc Duran Duran. Ban nhạc Anh quốc này, không được các đài phát thanh chấp nhận. Họ liền tiếp cận MTV bằng những video clip minh họa hấp dẫn. Sự xuất hiện của Duran Duran trên MTV ngay lập tức tăng đột biến số lượng fan hâm mộ.
Tranh cãi và cải cách
Nhiều nhà phê bình cho rằng những đoạn video clip của MTV thời kỳ đầu, mang đầy tính phá cách, có thể được xem như những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Tuy nhiên, những “tác phẩm nghệ thuật ngoài khuôn khổ” khiến cho gia đình MTV luôn sôi sục với những cuộc tranh cãi, nhất là các trường hợp xoay quanh hình ảnh liên quan đến bạo lực và tình dục.
Một số clip quá gợi cảm, đã bị đẩy giờ phát quá 12h khuya, chẳng hạn If I Could Turn Back Time của Cher hay Baby Got Back của Sir Mix-a-Lot. Một số clip khác bị cấm chiếu, như 18 and life của Skid Row hay Erotica của Madonna.
Dù không thể làm hài lòng tất cả người xem, nhưng MTV luôn tìm những hướng đi khác nhau để tự làm mới mình. Thật vậy, trong quá trình phát triển, MTV đã có 2 lần cải cách lớn. Lần đầu tiên, vào năm 1983, khi MTV bắt đầu phủ sóng cả bờ Đông lẫn bờ Tây nước Mỹ. Lần thứ hai, vào năm 1986, khi số lượng người xem sụt giảm nghiêm trọng, có thể một phần là do chiến thuật thu hẹp phạm vi âm nhạc. Cuộc cải cách lần hai đánh dấu sự ra đi của tổng giám đốc điều hành Robert Pittman và sự ra đời của MTV châu Âu.
Bản địa và đa dạng hóa
Việc mở rộng thị trường sang cựu lục địa cho phép MTV thâu tóm thêm một lượng khán giả hùng hậu. Mặt khác, cũng tạo sàn diễn danh tiếng cho các ca sĩ, ban nhạc châu Âu. Myslovitz của Ba Lan, AB4 của Rumani, Tiesto của Hà Lan, các ngôi sao của MTV châu Âu đều là những nghệ sĩ nổi tiếng tại quê nhà.
Chiến thuật bản địa hóa giúp MTV châu Âu luôn đi trước đối thủ một bước. Từ một kênh truyền hình chỉ sử dụng tiếng Anh, MTV Châu Âu phát triển thành hệ thống 35 kênh có ngôn ngữ khác nhau, đáp ứng nhu cầu của hơn 113 triệu thuê bao, phủ khắp Châu Âu.
“Một VJ (video jokey - người giới thiệu các video clip) gốc Bắc Âu, giới thiệu về âm nhạc Ý cho những khán giả Đức - thật là thú vị phải không?” - Brent Hansen, người đứng đầu MTV Châu Âu, hình tượng hóa một cách hóm hỉnh về tính địa phương hóa cao của kênh. “Thay vì đánh trực diện bằng những gì có trong tay, chúng tôi tìm cách len lỏi vào những thị trường khác nhau để tìm cách đáp ứng những nhu cầu cụ thể của thị trường đó!” - Brent Hansen nói thêm.
Tiếp nối thành công của MTV châu Âu là sự ra mắt của MTV châu Á năm 1991 và MTV châu Mỹ Latin năm 1993. Những hệ thống MTV bản địa này có đội ngũ VJ riêng và “thực đơn” âm nhạc cũng được thiết kế phù hợp với từng quốc gia.
Một điều đáng nói, là các kênh MTV dần đi xa khỏi hình thức “chỉ phát video clip ca nhạc” thuở ban đầu. Các chương trình giới thiệu clip ca nhạc trên kênh phân hóa và phát triển thành những sô truyền hình hẳn hoi. Sự ra đời của một loạt sô truyền hình thực tế được đón nhận nồng nhiệt như Jackass, The Osbournes, hay Pimp My Ride... chứng tỏ MTV luôn biết cách bắt nhịp với nhu cầu của khán giả.
MTV còn lấn sang cả những lĩnh vực giải trí khác. Phim ảnh thì có những tác phẩm tự sản xuất như Crossroads hay Super Sweet 16: The Movie. Game show thì MTV châu Âu đang nắm giữ 50% cổ phần của kênh truyền hình Game One, Pháp. MTV Quốc tế cũng có trong tay bản hợp đồng lên đến 70 triệu euro với Motorola về cung cấp nội dung giải trí trên điện thoại di động.
MTV là một đại gia đình với nhiều sản phẩm âm nhạc, giải trí, mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, trên thị trường, ngoài MTV, còn có các hệ thống kênh truyền hình âm nhạc khác được sinh ra để phục vụ cho bộ phận khán giả mà MTV chưa thỏa mãn được.
VH1 - mở rộng đối tượng khán giả
VH1, từng được biết đến với cái tên VH- 1: Video Hits One từ năm 1985 đến 1994, rồi không có dấu gạch ngang ở giữa, từ 1994 đến nay, là kênh truyền hình về âm nhạc của Mỹ, có trụ sở tại New York.
VH1 ra đời ngày 1/1/1985, tại địa điểm mà không lâu trước đó người ta chứng kiến sự lụi tàn của kênh Truyền hình cáp Âm nhạc, thuộc Turner Broadcasting. Mục tiêu ban đầu của kênh là tận dụng những thành công mà MTV đã đạt được để phát triển tiếp thị trường truyền hình âm nhạc. VH1 cũng phát những video clip ca nhạc, nhưng hướng tới độ tuổi trưởng thành hơn. Gu âm nhạc của VH1 thời kỳ đầu cũng đằm hơn. Những nghệ sĩ được ưa chuộng, bao gồm: Carly Simon, Tina Turner, Elton John, Sting, Donna Summer, Kenny G, và Anita Baker.
Sau việc sụt giảm số lượng người xem vào đầu những năm 90, VH1 đổi chiến thuật, đi theo dấu chân của MTV: chuyển sự tập trung từ video clip ca nhạc đơn thuần sang những sô truyền hình liên quan đến âm nhạc. Ngoài ra, VH1 còn mở rộng các thể loại âm nhạc phát trên kênh: bổ sung nhiều bài hát mang chất rap và rock. Nói cách khác, những cải tiến của VH1 mang đến những mùi vị đậm đà và hợp thời hơn.
Đến năm 2003, VH1 tiếp tục lột xác, đổi logo thành hình dạng khối hộp như bây giờ, với mong muốn thể hiện các mặt khác nhau của âm nhạc. VH1 đầu tư vào những chương trình mang tính khám phá thế giới giải trí, như Behind The Music - tìm hiểu cuộc sống của những ca sĩ đang đứng trong bảng xếp hạng, hay Celebreality - một cách chơi chữ, là sự kết hợp giữa Celebrity - những người nổi tiếng và TV reality - truyền hình thực tế.
VH1 đặc biệt nổi tiếng với sê-ri I Love the..., trong đó các nghệ sĩ thành danh sẽ thảo luận về những dấu ấn văn hóa trong âm nhạc, trong từng thời kỳ. Chẳng hạn, I Love the ’70s xoay quanh những ban nhạc nổi tiếng thời thập niên 70, như The Jackson 5, Black Sabbath, The Carpenters... cùng những sự kiện âm nhạc không thể bỏ qua như sự tan vỡ của nhóm The Beatles. Sê-ri này được đánh giá cao vì tính quý giá về mặt thông tin, cũng như tính giải trí, khi được nghe lại và nhìn lại một thời vàng son.
Cũng giống như MTV, giờ đây VH1 trở thành một hệ thống truyền hình giải trí đa thể loại, có độ phủ từ châu Á sang châu Âu, đến châu Mỹ Latin.
Channel [V] - khẩu vị Á châu
Channel [V] được thành lập sau khi MTV châu Á tách khỏi hệ thống Star TV. Những nhà quản lý hệ thống Star TV cho rằng: cần có một kênh âm nhạc lấp vào khoảng trống mà MTV châu Á để lại.
Có trụ sở chính tại Hong Kong, Channel [V], rõ ràng, có thế mạnh về vị trí - nằm ngay tại cái nôi của Canto-pop - dòng nhạc dễ nghe, dễ hát, nhiều cảm xúc, khởi xướng bởi các ca sĩ Hong Kong. Sự ra đời của Channel [V] vào năm 1994 đáp ứng nhu cầu của những người yêu âm nhạc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là giai đoạn mà Tứ Đại Thiên Vương của Hong Kong làm mưa làm gió trên thị trường.
Khu vực Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc, được công nhận là nơi phát sinh ra những trào lưu văn hóa gây ảnh hưởng đến những khu vực khác. Channel [V] có đóng góp không nhỏ trong công cuộc xuất khẩu văn hóa này. Năm 2005, Channel [V] Đài Loan, sản xuất chương trình Wo Ai Hei Se Hui – một sô truyền hình tìm kiếm tài năng âm nhạc. Chương trình này đã thu hút lượng khán giả khổng lồ, cao kỷ lục, tính từ lúc mới thành lập kênh. Bên cạnh đó, là số lượng đông đảo các thiếu nữ trẻ đăng ký tham gia. Trang web chính thức của Wo Ai Hei Se Hui có lượt truy cập lên đến một triệu mỗi ngày. Da Ya, nhân vật chủ chốt của chương trình, trở thành VJ “hot” của kênh Channel [V].
Channel [V] cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Giai đoạn từ 2002 đến 2008, toàn bộ hệ thống của kênh phải chuyển sang Malaysia để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, sau đó, Channel [V] lại trở về Hong Kong vào năm 2008.
Có mặt ở thị trường Trung Quốc, Ấn độ và Indonesia - những nước đông dân nhất thế giới, hiện giờ, Channel [V], thậm chí có lượng khán giả nhỉnh hơn cả MTV châu Á.
Vậy đó, với “phần còn lại của thế giới” không ngừng phát triển, MTV đang mất dần vị trí độc tôn.
No comments:
Post a Comment