Saturday, August 1, 2009

Các loại thẻ nhớ thông dụng

Các loại thẻ nhớ thông dụng
ảnh minh họa
Thay vì sử dụng các loại đĩa, băng ghi, người tiêu dùng hiện nay thường sử dụng thẻ nhớ để lưu trữ dữ liệu vì nó gọn nhẹ dễ di chuyển và có khả năng lưu trữ nhiều.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thẻ nhớ, đều đó có thể làm người dùng bối rối không biết chọn loại nào cho phù hợp. Qua bài viết này, chúng tôi muốn mang lại cho các bạn một cái nhìn tổng quát về các loại thẻ nhớ

1. SMART MEDIA

Smart Media (SM) là loại thẻ đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Nó được nghiên cứu và phát triển bởi Olympus và Fuji. Trước đây, loại thẻ này khá phổ biến nhưng thời gian gần đây nó đã không còn được người sử dụng ưa chuộng vì kích thước lớn, dung lượng hạn chế, khó mua trên thị trường, giá cao… Điều quan trọng là độ tin cậy dữ liệu của thẻ SM cũng thấp hơn các loại thẻ khác do bảng mạch tiếp xúc được đặt ngay trên thân thẻ, chứ không đặt ở đầu như các loại thẻ thông thường.

2. MULTIMEDIA CARD

Multimedia Card (MMC) ra đời sau SM với ưu điểm có lớp bảo vệ bảng mạch tiếp xúc. MMC nhỏ hơn so với SM nhưng dày hơn. Bảng mạch tiếp xúc của MMC được đặt ở mặt dưới của thẻ. Các thẻ nhớ MMC mới nhất có thể truyền dữ liệu với tốc độ 52 MB/giây. Tốc độ lớn hơn và kích thước nhỏ hơn cho phép người sử dụng đạt được hiệu suất cao hơn từ các thiết bị di động như điện thoại di động, PDA, MP3... Hiện có 4 loại thẻ MMC thông dụng trên thị trường là: RS-MMC, MMC Plus, MMC Micro và MMC Mobile.

- Reduced Size Multimedia Card (RS-MMC)

Được phát triển hoàn toàn dựa trên nền tảng kỹ thuật của thẻ MMC nên khả năng lưu trữ và tốc độ của 2 loại thẻ này cũng tương đương nhau. Tuy nhiên, kích thước của RS-MMC chỉ bằng một nửa so với MMC. Nếu có một bộ chuyển đổi thì bạn cũng có thể sử dụng RS-MMC trên các thiết bị chỉ hỗ trợ thẻ MMC thường. Với kích thước nhỏ gọn, thẻ RS-MMC được sử dụng nhiều trên các điện thoại di động và các thiết bị cầm tay khác.

- MMC Plus

Thẻ MMC Plus hoạt động với điện thế 3,3V và nhanh gấp ba lần các thẻ nhớ SD. MMC Plus hiện đang là giải pháp bộ nhớ cho các máy ảnh số. Một thẻ nhớ MMC plus 512MB sẽ cung cấp khả năng lưu trữ 250 bức ảnh chất lượng độ phân giải 5 Megapixel hoặc ba giờ phim video QVGA.

- MMC Mobile

Thẻ nhớ MMC Mobile giống hoàn toàn so với RS-MMC về kỹ thuật. Kích thước của nó bằng một nửa thẻ MMC Plus. Bạn cũng có thể cắm nó vào các khe cắm MMC thông thường nếu bạn có một bộ chuyển đổi. MMC Mobile có một số tính năng mới mà các loại thẻ MMC khác không có, đó là tốc độ đọc và truyền tải dữ liệu cao hơn, có thể chạy trên 2 mức hiệu điện thế khác nhau (1,8V và 3,3V). MMC Mobile được thiết kế cho các điện thoại di động đòi hỏi điện thế thấp, tốn ít điện.

- MMC Micro

Có kích thước chỉ bằng một phần ba kích thước thẻ MMC Mobile. Ưu điểm của MMC Micro là siêu bền, có thể chịu được chấn động va đập của chính nó hoặc của thiết bị. Thích hợp cho những người thường xuyên phải di chuyển, vận động mạnh.

3. COMPACT FLASH

Compact Flash (CF) là loại thẻ dùng bộ nhớ Flash. CF được SanDisk giới thiệu vào năm 1994. Nó khá phổ biến trên các máy nghe nhạc MP3, máy chụp hình kỹ thuật số, PDA…Ưu điểm của CF là tốc độ nhanh, dung lượng lớn, trọng lượng nhẹ, kích thước nhỏ. CF đáp ứng khả năng lưu trữ lên đến 2,2 và hỗ trợ những camera sử dụng định dạng "FAT32".

Sự ra đời của CF đánh dấu một bước phát triển mới trong công nghệ chế tạo thẻ nhớ, bởi thẻ CF ít tiêu tốn điện năng hơn và dữ liệu được bảo đảm an toàn hơn. Theo tính toán của một số chuyên gia, dữ liệu lưu trên CF có thể giữ an toàn trong 100 năm.

Có 2 loại thẻ nhớ Compact Flash là Type I và Type II. Hai loại này chỉ khác nhau về độ dày, 0,33 cm cho CF Type I và CF Type II dày 0,5 cm. Type I được dùng trong các bộ nhớ flash, trong khi đó CF Type II được sử dụng trong các Microdrive (các ổ cứng nhỏ sử dụng thẻ CF) và card mạng WiFi.

4. MEMORY STICK

Không giống như các loại thẻ nhớ khác, Memory Stick (MS) là sản phẩm độc quyền của Sony, được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 9/1998. Năm 2003, Sony đã nâng cấp định dạng này lên thành MS Pro, đồng thời phát hành MS Duo dạng nén. Sau đó lại tiếp tục ra mắt thẻ nhớ MS Pro Duo.

Dung lượng của các thẻ MS Pro có thể lên đến hàng Gigabyte. Một điểm đáng quan tâm là các thiết bị chỉ hỗ trợ thẻ MS thường sẽ không đọc được MS Pro nhưng các thiết bị hỗ trợ MS Pro sẽ đọc được các thẻ MS thường.

MS Duo và MS Pro Duo là hai phiên bản nhỏ của MS và MS Pro. Các loại thẻ MS Duo và MS Pro Duo có khả năng tương thích với các thiết bị sử dụng thẻ MS cũ hơn và dung lượng lớn hơn. Vì vậy, các loại thẻ Duo thường được bán kèm với một bộ chuyển đổi có tên là Sony MSAC-M2 Memory Stick Duo Adapter. Với bộ chuyển đổi này thì bạn có thể thoải mái sử dụng MS Duo và MS Pro Duo trên các thiết bị của Sony.

Ngoài ra, Sony còn hợp tác với SanDisk để cho ra Memory Stick Micro với kích thước 15 x 2,5 x 1,2 mm, để dùng trên điện thoại di động. Thẻ hoạt động với dòng điện 3,3 - 1,8 V và tốc độ truyền khoảng 160 Mb/giây. Trên lý thuyết, định dạng này có thể lưu tới 32 GB dữ liệu.

5. SECURE DIGITAL

Secure Digital Card (SD) là loại thẻ nhớ khá phổ biến hiện nay. Nó được phát triển dựa trên nền của thẻ MMC, nhưng có khá nhiều khác biệt. SD có kích thước là 32 x 24 x 2,1 mm, hình dáng không đối xứng, dày hơn thẻ MMC. Bảng mạch tiếp xúc của SD được đặt ở mặt dưới thẻ (tương tự thẻ MS), nhằm tránh những tiếp xúc khi cầm nắm. Hầu hết các thẻ SD thường có một khóa chống ghi. Đây là biện pháp bảo vệ an toàn cho dữ liệu trên thẻ. Tốc độ ghi và truyền dữ liệu của các thẻ SD cũng khá cao và ngày càng được cải thiện.

Thẻ SD được chính thức giới thiệu với công chúng vào tháng 8 năm 1999 bởi Panasonic, SanDisk và Toshiba. Những hãng chế tạo ra SD hy vọng nó có thể cạnh tranh thành công với thẻ Memory Stick của Sony. Đến giữa năm 2000, những chiếc thẻ SD đầu tiên chính thức có mặt trên thị trường với các mức dung lượng 32 MB và 64 MB. Đến năm 2006, thẻ MicroSD, MiniSD (tên gọi khác là thẻ Tranflash) và thẻ SDHC (Secure Digital High Capacity) lần lượt ra mắt công chúng với khả năng lưu trữ hơn 2 GB và tốc độ đọc/ghi dữ liệu lên tới 2,2 MB/giây.

6. xD – PICTURE

Thẻ xD-Picture được phát minh bởi Olympus và Fuji. Chỉ có các máy chụp hình kỹ thuật số của Olympus và Fuji mới hỗ trợ loại thẻ này nên nó không được phổ biến như các loại thẻ khác. Khi sử dụng các loại thẻ này, cần phải có một đầu đọc thẻ xD-Picture để chép dữ liệu trên thẻ.

Tốc độ ghi/chép dữ liệu của thẻ xD-Picture cũng khá cao, kích cỡ nhỏ gọn nhưng người dùng sẽ thực sự gặp khó khăn với loại thẻ này vì giá khá đắt và rất khó mua trên thị trường. Dung lượng cũng là một điểm yếu của thẻ xD-Picture.

No comments: