Tuesday, January 19, 2010

Người phá lệ Oscar

(TT&VH Cuối tuần) - Đã từ lâu, giải Oscar Phim nước ngoài hay nhất luôn nhận được sự quan tâm chú ý của toàn thế giới. Giải này chỉ bắt đầu xuất hiện từ giải Oscar lần thứ 22 (1949), và vinh dự đã được trao cho bộ phim Italia The Bicycle Thief (Kẻ cắp xe đạp). Trong lịch sử điện ảnh, đây là một trong số những bộ phim hiếm hoi trên thế giới, gần như có được tất cả những lời khen tặng đẹp đẽ mà một bộ phim có thể nhận được. Và nó hoàn toàn xứng đáng với điều đó. Giờ đây mỗi khi xem lại ta vẫn thấy xốn xang, bởi nó vẫn còn nguyên giá trị và tươi mới như ngày đầu ra mắt khán giả cách đây 60 năm!

TẦM ẢNH HƯỞNG LỚN LAO

Kẻ cắp xe đạp là một cuộc tìm kiếm chân giá trị của con người, thể hiện qua tâm hồn của nhân vật chính trong phim. Chuyện phim thật đơn giản, gia đình Ricci - gồm vợ và đứa con trai nhỏ - cả nhà sống nhờ vào chiếc xe đạp. Đến một ngày, chiếc xe đạp bị cướp khi Ricci đang mải làm việc… Trong cơn tuyệt vọng, Ricci nảy ra ý định ăn cắp xe đạp của người khác…

Câu chuyện nghe giống như một bài răn dạy đạo đức trong Kinh thánh hơn là một bộ phim. Vào thời điểm bộ phim được công chiếu, một số người đã xem nó như một tác phẩm “thân Cộng” (lúc đó nhà biên kịch Zavattini là một thành viên của Đảng cộng sản Ý). Để tìm chất liệu viết nên kịch bản này, Zavattini đã phải lăn lộn khắp xó xỉnh ở thủ đô Roma, phản ánh đời sống hiện thực của nước Ý sau chiến tranh vẫn đang còn bị cái nghèo tàn phá.

Dòng phim “Tân hiện thực” đúng như tên gọi của nó mang rất nhiều ý nghĩa. Hầu hết đề cập đến cuộc đời của tầng lớp lao động, sống trong bối cảnh nghèo nàn và mang những thông điệp nhắn nhủ về một xã hội tốt đẹp hơn, nơi mà sự giàu có được phân phát đồng đều tới mọi tầng lớp trong xã hội. Các tác giả đã nhìn nhận những chi tiết chân thực này với con mắt nhân văn. Bộ phim không e dè và rất thẳng thắn khi thể hiện một thế giới tiêu cực bị bóp méo đến thảm hại bởi chính con người.

Không phải là bộ phim đầu tiên, nhưng có thể nói Kẻ cắp xe đạp đã đặt nền tảng lịch sử cho kỷ nguyên phim “Tân hiện thực” Ý. Bộ phim đã ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cả một thế hệ đạo diễn lẫy lừng của nước Ý như: Visconti, Rossellini, Antonioni, Fellini, Bertolucci… và rất nhiều văn nghệ sĩ khác trên thế giới như kịch tác gia nổi tiếng Arthur Miller (Mỹ).

Ảnh hưởng của Kẻ cắp xe đạp không chỉ trong quá khứ, mà ngay cả hiện tại vẫn còn nhiều đạo diễn, nhiều bộ phim từ Âu sang Á, chịu ảnh hưởng từ bộ phim này: Pee-Wees Big Adventure của Tim Burton (Mỹ), Beijing Bicycle của Vương Tiểu Soái (Trung Quốc), Two Acres of Land của Bimal Roy, Pather Panchali của Satyajit Ray và Polladhavan của Vetrimaran (Ấn Độ)…

Năm 1999, bộ phim Children of Heaven của Iran đã được đề cử phim nước ngoài hay nhất. Trong phim có một cảnh quay cảm động khi người cha nhấc con mình ngồi trên gióng xe, và đưa cậu bé đến một miền đất trù phú… Cảnh này quá quen thuộc với những ai đã từng xem Kẻ cắp xe đạp. Những chủ đề như thế thường sống mãi với thời gian: Một người đàn ông rất yêu gia đình, và tìm mọi cách để bảo bọc cái gia đình ấy, nhưng xã hội lại luôn gây ra những khó khăn cản trở! Ai mà chẳng nhận ra những sự trùng hợp này với Kẻ cắp xe đạp!

Ngay từ lúc ra mắt, Kẻ cắp xe đạp đã đón nhận sự hoan nghênh của công chúng khắp thế giới. Tạp chí điện ảnh Sight & Sound của Anh đã bầu chọn đó la bộ phim hay nhất và nó giữ vững vị trí này trong suốt 10 năm liền (mãi đến năm 1962 mới bật ra khỏi bảng xếp hạng).

Trước năm 1949, giải Oscar vẫn chỉ trao cho những bộ phim nói tiếng Anh, chứ chưa có giải dành cho phim nước ngoài. Nhưng sự nổi bật của Kẻ cắp xe đạp đã khiến Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ phải phá lệ và tặng cho nó tấm bằng khen danh dự. Và từ năm sau, trong các hạng mục của giải Oscar đã bổ sung thêm giải dành cho Phim nước ngoài hay nhất. Kẻ cắp xe đạp chính thức được xem là bộ phim nước ngoài đầu tiên đoạt giải Oscar.

Nhưng danh giá nhất là cuộc bầu chọn tại Hội chợ triển lãm quốc tế Bruxelles (Bỉ) tháng 10/1958. Ban giám khảo là những đạo diễn tên tuổi của điện ảnh thế giới đã chọn Kẻ cắp xe đạp là một trong số 12 phim hay nhất của mọi dân tộc, mọi thời đại. Danh dự cao quý đó vẫn còn giá trị đến ngày hôm nay.

Năm 1988, nhân kỷ niệm 40 năm ngày ra đời của Kẻ cắp xe đạp, bưu điện Italia đã đưa bộ phim lên tem. Năm 2008, nhân kỷ niệm 60 năm ngày ra mắt, bản phim đen trắng 35mm Kẻ cắp xe đạp đã được phục chế và in bản mới để chiếu tại cụm rạp Lincoln Plaza (trung tâm Broadway, Mỹ) trong suốt nhiều tuần liền.

BI KỊCH TRONG PHIM VÀ BI KỊCH ĐỜI THƯỜNG

Là một trong những người đi tiên phong của dòng phim “Tân hiện thực”, đạo diễn Vittorio De Sica luôn yêu thích ý tưởng chọn diễn viên là những con người bình thường, chưa hề biết thế nào là diễn xuất trước ống kính, và tất nhiên Kẻ cắp xe đạp cũng không phải là ngoại lệ.

Thế nhưng ban đầu, ý định của ông không thực hiện được vì những ông chủ hãng phim tại Ý không thích kịch bản này. Vittorio De Sica tức tốc sang Hollywood. Tại đây, một hãng phim rất thích kịch bản Kẻ cắp xe đạp, họ sẵn sàng bỏ vốn cho De Sica thực hiện bộ phim với điều kiện ông phải nhận Cary Grant - một ngôi sao nổi tiếng rất ăn khách lúc bấy giờ đóng vai chính.

De Sica không tán thành, và đề nghị được thay bằng ngôi sao lừng danh Henry Fonda. Nhưng do không thể hủy hợp đồng mà Henry Fonda đã ký với một hãng phim khác, đề nghị này cũng lại không thành.

De Sica quyết định về lại Ý và tự mình sản xuất. Ông vận động bạn bè khắp nơi đóng góp tài chính với số tiền ít ỏi là 133.000 USD để thực hiện bộ phim dưới danh nghĩa của hãng P.D.S. (Produzioni De Sica). Trong suốt hàng tháng trời, De Sica tay cầm kịch bản, lang thang khắp các đường phố để chọn diễn viên. Cho đến một ngày, trên đường phố Roma, ông đã tình cờ gặp Lamberto Maggiorani đang cùng vợ con rong chơi trên chiếc xe đạp của họ.

Đó là một người đàn ông 39 tuổi, dáng cao gầy với bộ mặt hiền lành, thao thức và đầy khát vọng. De Sica tự nhủ đây chính là nhân vật thật sự mình cần. Không để lỡ cơ hội, ông chạy theo Maggiorani và đặt thẳng vấn đề với anh: “Tôi không phải là một người sản xuất ra các diễn viên điện ảnh. Tôi không dám hứa hẹn gì với anh, ngoài việc đề nghị cho tôi mượn bộ mặt của anh trong bộ phim mà tôi đang chuẩn bị quay. Anh vui lòng xin phép nhà máy cho nghỉ việc không ăn lương trong vòng hai hoặc ba tháng, sau khi quay xong anh sẽ trở về đó làm việc như cũ”. Sau một thoáng suy nghĩ, Maggiorani ưng thuận, và bộ phim được tiến hành.

Sau khi giúp bộ phim thành công, Maggiorani, như hợp đồng, đã âm thầm trở về nhà máy luyện kim tại ngoại ô thành phố Roma làm việc như trước đây, chờ đến khi hết giờ làm việc để chạy bổ về nhà với hy vọng có ai đó đề nghị ký hợp đồng đóng vai trong bộ phim mới. Nhưng một hôm người ta báo cho Maggiorani biết anh bị sa thải khỏi nhà máy! Và Maggiorani bắt đầu một cuộc sống nghèo túng như chính hoàn cảnh của nhân vật Ricci. Nhưng anh vẫn nuôi hy vọng tiếp tục được đóng phim…

Bẵng đi một thời gian, anh được nhận vào đóng vai phụ trong một bộ phim của đạo diễn Hungary Geza Radwanyl quay ở phim trường Cinecitta, và một vai khác cũng không lấy gì làm quan trọng bên cạnh cô đào người Pháp Simon Simonet. Anh lại hy vọng, nhưng cứ thế, anh chỉ có thể tham dự trong nhiều bộ phim với những vai không để lại một dấu ấn gì hết!

Năm 1983, sau một cơn bạo bệnh kéo dài, Lamberto Maggiorani - “Kẻ cắp xe đạp” lừng danh - đã trút hơi thở cuối cùng tại Roma, thọ 73 tuổi. Chấm dứt bi kịch của người diễn viên vô danh nhưng thành công với vai diễn đầu tiên, trong bộ phim được liệt vào hàng kiệt tác điện ảnh bất hủ của nhân loại.

Bá Vũ

No comments: