Monday, January 18, 2010

Violin! New dream~~6

Khắc phục được 80% là rất cao rồi .
Ở những bài dễ, không phải những bài thử nghiệm, thì ta có thể tránh được 2 cái tật trên .
Nhưng ở những bài khó, trình độ mấy năm không thể tránh được 2 tật này, và còn bị một
cái tật nữa là không ra tiếng đàn, tức là bị mất tiếng, hay nghe thấy lờ mờ thôi. Tôi không
phải người chơi chuyên nghiệp, nên đã mấy chục năm chơi Violin, dồn lại chỉ bằng vài năm
chuyên nghiệp, vẫn bị những tật này, và vì thế không thể tập những bài khó hơn được .
Dù sao, chỉ những bài dễ thôi, ra ngoài biểu diễn, người nghe không phải nhà nghề thì
không thể biết mình vẫn rất non kém.


Đó gọi là Vibrato, tiếng ta gọi là Rung .
Ngày xưa thì không có kỹ thuật này .
Muốn rung, ngón bấm phải di đi di lại quanh nốt chuẩn để độ cao tiếng đàn thay đổi quanh độ cao
đó. Để ngón bấm di đi di lại trên dây đàn, bàn tay phải đưa đi đưa lại trên cần đàn .
Để bàn tay đưa đi đưa lại trên cần đàn, có 3 cách: cổ tay gập vào duỗi ra, và cánh tay gập vào
duỗi ra, và kết hợp cổ tay cánh tay gập vào duỗi ra, trong đó các cách cuối thì tốt hơn nhưng khó
hơn các cách đầu.
Nói thì như vậy, và có thể nhìn người ta chơi như vậy, nhưng chính mình phải làm được, chứ không
chỉ nghe nói và coi mà thôi.
Để có thể tập rung, bạn phải có trình độ bàn tay cầm đàn và ngón tay bấm phím thật linh hoạt,
trước nhất phải học thế bấm thứ 3, và chuyển thế 1-3 nhuần nhuyễn, một bài có thể chơi bằng
bất cứ ngón nào, thế nào, dây nào được . Nếu chưa bấm được nốt bằng nhiều thế tay, nhiều
dây khác nhau, thì ngón, bàn, cổ, cánh tay chưa đủ linh hoạt mà học rung được .

Tôi lục cuốn Teach Fiddling bạn kể trên ra coi, thì thấy chỉ có 1 DVD
dạy đến bài 17 thôi . Bỏ đĩa vào PC coi thì cũng thấy như coi TV,
nhưng chất lượng kém hơn rất nhiều . Sau đó tôi dở các files ra coi,
thì nó không bố trí như các bài của chương trình dạy, mà có một
file để điều khiển, và các file data . Vì thế, có lẽ không thể copy các
files lẻ mà đưa lên được. Dù sao, bạn đã có mấy bài đầu mà coi được
rồi, thì có thể học theo, rồi từ đó tự học cũng được. Violin kể ra thì
khó học hơn Piano ở chỗ nó không có phím, hoàn toàn nhờ cậy cái
tai, không nhờ con mắt . Tuy thế nó lại dễ hơn Piano ở chỗ không thể
chơi sai ngón được, vì bấm sai ngón thì không thể ra bài . Vì vậy,
từ xưa, chơi Violin toàn chẳng theo thày hay trường lớp nào cả . Bạn
không có thày thì cũng đừng buồn . Cứ chịu khó coi người ta cầm đàn
thế nào, đừng đội lên đầu, đừng cặp bằng chân, là chơi được rồi .

Người có thày, cũng phải nâng tay lên dần dần, ban đầu bắt buộc phải
cầm sai, bấm sai, chứ không thể như thày được . Bạn thử đi học bơi
mà coi, cũng phải nâng kỹ thuật động tác lên mấy năm mới đi thi đấu
được, chứ ban đầu không thể có động tác như vậy được . Tôi tập Violin
mấy năm đầu cũng cầm sai, bấm sai, và cho đến bây giờ cầm tốt hơn,
bấm tốt hơn, coi là đúng đi, nhưng so với các bậc đàn anh, các bậc
thày, và các bậc cao thủ nổi tiếng, thì cũng còn sai . Cái sai đúng ở đây
không có nghĩa sai đúng của Toán, mà có nghĩa bậc tay nghề . Ở bậc
thấp thì kỹ thuật ấy là đúng. Vậy bạn yên chí đi, lúc nào bạn cũng có
thể chơi đúng kỹ thuật, không sợ sai. Cốt nghe được ra bài là được, kể
cả giống tiếng mèo kêu, còn nghe hay có người thích nghe thì là siêu được.


Về chuyện lên dây đàn Violin, tôi chỉ biết các dây là Sòn Rê La Mí
chứ cũng không để ý cách viết là A4 hay A5. Nay thấy bạn có nhắc
đến, mới suy nghĩ rằng:

Nốt Đô viết ở giữa khóa Son và khóa Fa thì là nốt Đô giữa đàn Piano
viết là C4. Vậy thì nốt Rề ngay cạnh nó và dây Rề của Violin phải là
D4. Nốt Sòn trầm hơn cũng là dây Sòn phải là G3, vì nốt Là cạnh nó
cũng là A4 cùng quãng Tám với C4 giữa đàn Piano, mà các quãng Tám
thì bắt đầu bằng nốt La và kết thúc bằng nốt Son. Dây Rề là D4 thì
nốt Són cao hơn là G4, và dây La là nốt cạnh G4 phải là A5 vì nó bắt
đầu một quãng Tám khác cao hơn . Tiếp theo, thì dây Mí cũng ở quãng
Tám này cùng với dây La, nên nó là E5.

Tóm lại, theo tôi suy luận ở trên, thì các dây Violin là G3 D4 A5 E5, trong
đó chỉ có 2 dây cao nhất là cùng ở chung trong một quãng Tám thôi. Các
dây trầm hơn, mỗi dây ở một quãng Tám riêng của nó. Theo cách nghĩ này
thì các cách lên dây bạn thu lượm được là sai .

Tuy vậy, tôi vừa thử tìm kiếm trên Internet coi mình có đúng không, thì
chưa tìm được kết luận. Thì ra các thày giáo dạy Violin không để ý tới
các quãng Tám trên đàn Piano. Vậy thì chúng ta, bạn và tôi, hãy tạm quên
chuyện các con số 3, 4, 5, và 6 đi nhé. Không có chúng cũng chẳng chết ai.

Bạn đã thử tìm kiếm trên Internet chưa ?
Nếu kiếm không ra, thì hãy hỏi nhé .
Cách tìm là xài Google, và keyword là "Violin" hay "Fiddle"
kèm theo từ "forum" nữa. Nếu không biết từ "Fiddle" thì
cũng không sao, vì một từ "Violin" cũng thừa xài rồi.
Bạn ít xài đến bộ óc Trời cho quá, Trời phạt đấy .
Dao có mài mới sắc, người có xài đến óc thì mới nên.
Dù bạn có bằng cấp cao, mà không xài đến óc, thì cũng
không bằng người ít học mà chịu khó suy nghĩ áp dụng
những kiến thức phổ thông vào mọi việc trong đời sống
hàng ngày. Tìm kiếm bằng Google là kiến thức sơ đẳng
nhất của người chơi Internet đó.


Lông đuôi ngựa hay nilon thì cũng chẳng mấy khác nhau về kéo đàn đâu .
Ngày Mỹ ném bom miền Bắc những năm 1960s cung của tôi đứt gần hết
lông đuôi ngựa mà cửa tiệm sửa đàn Tràng Tiền, cách tiệm bách hóa vài
nhà về phía Nhà Hát Lớn, không có lông đuôi ngựa, tôi đành phải làm bằng
cước nilon đan lưới đánh cá, cũng chơi khá tốt, không nghe thấy tiếng cọ.

Mặt khác, lông đuôi ngựa thời đại kinh doanh này thì cũng sẵn, làm gì mà
đắt . Cách đây mới hơn chục năm, ở Mỹ còn hiếm hàng Trung Quốc, một
cây cung nhựa, lông có lẽ đuôi ngựa, tôi phải mua 6 chục đôla, nay đã vứt
đi rồi, vì cung gỗ Trung Quốc lông đuôi ngựa bán chưa tới 2 chục đô la .
Tôi hỏi giá bán buôn ở TQ thì một cây giá từ 3 đến 5 đôla thôi .

Muốn biết lông ở cung của bạn bằng chất gì, thì chỉ việc giứt ra một sợi,
đưa vào lửa mà đốt, rồi ngửi khói là biết liền, có gì khó đâu bạn ?


Tôi chơi Violin không giỏi, chơi staccato cũng chỉ những bài vỡ lòng .
Tập kỹ thuật nào cũng vậy, phải từ dễ đến khó, từ chậm đến nhanh .
Staccato dễ thì có thể kéo liền một cung, nhưng nên chơi riêng từng
nhát cung ra thì mới chơi bài khó được . Phải căng lông đuôi ngựa lên
nhiều . Không thể nào nói ra được, mà phải thật sự tập luyện mới
thấy các khó khăn . Có người cầm cung lỏng, nhưng tôi cầm cung rất
chặt, thấy khống chế staccato dễ hơn . Chơi 1/3 đầu cung thì dễ hơn
nhưng có bài cần kéo cả cung và đưa xuống, thì bắt buộc phải chơi đoạn
cuối cung . Bài khó quá thì chỉ tập, chứ không chơi được .

Nói tóm lai, cách tập Violin của tôi là: theo trình độ lớp của mình, không
nhảy cóc tập bài lới cao hơn, và chọn bài vừa trình độ của mình mà chơi .
Vì thế có người trẻ đã nổi tiếng, còn tôi thì chẳng bao giờ nổi tiếng cả .


Chuyện cây chống này, gọi là Sound Post - Cột âm, hay Trụ tiếng, Cột tiếng -
hình như đã bàn ở Học Nhạc rồi . Lẽ ra bạn có thể tìm thấy mà khỏi phải hỏi
lại nữa, nhưng tiện thì nhắc lại làm dễ cho bạn .

Cây chống này đặt ở bên phải, gần đúng chân Cầu đàn, mà lui về phía sau
một chút, nếu có lệch sang phải sang trái một chút cũng không sao.

Nó chỉ đặt hờ vào chỗ thôi, chứ không "gắn" như bạn nghĩ đâu . Nếu bạn
gắn thật, thì có thể tốt hơn, nhưng chẳng may mà dở đi, thì bạn ráng chịu.
Vì thế, nó phải dài đúng độ cao của hộp đàn, và 2 đầu của nó phải vẹt đi
đúng độ cong của mặt đàn và lưng đàn (đáy đàn). Khi lên dây đàn, thì dây
đàn ép lên cầu (bridge nhưng tiếng Việt lại gọi là con ngựa) và cây cầu
thì có 2 chân dẵm lên mặt đàn, khiến mặt đàn lõm xuống, và ghì chặt cây
cột vào chỗ mà không văng ra. Khi mua bán hay mang đàn đi, thì nới lỏng
dây đàn, giảm áp suất lên cây cột, nên nó hay bị tuột ra. Nếu đàn đã lên
dây rồi, mà nó dễ tuột ra, thì nó bị cắt quá ngắn, hay đặt quá lệch sang trái,
là nơi hộp đàn phồng to hơn . Vậy phải thay cây cột khác cho vừa, hay đặt
lại cho đúng chỗ của nó .

Tiêu chuẩn Cột âm:
Gỗ Spruce - gỗ Tùng hay Bách - một loại họ với Thông, mọc ở xứ lạnh, may
ra có ở vùng núi miền Bắc ViệtNam, mua trên eBay giá vài đôla .
Gỗ lấy ở cây già, 100 năm tuổi trở lên thì tốt . Tuy vậy, gỗ Spruce bán ở
cửa hàng gỗ của Mỹ chỉ có 20 năm tuổi thôi, cũng vẫn làm được, một thanh
gỗ dài 2 mét chỉ có 2 đô thôi, làm ra Cột Âm thì được vài trăm cây.
Gỗ phải để khô tự nhiên trong bóng râm, không mưa nắng, ít nhất 10 năm .
Tom gỗ phải nhỏ, cột chống vừa khe F của đàn, chừng 5-6 milimet gì đó,
phải có ít nhất 5 cặp tom (một cặp gồm một thớ màu sậm và một thớ gỗ
màu nhạt). Nếu gỗ non thì chỉ có 4 cặp tom gỗ thôi .
Cột âm phải đặt sao cho tom gỗ vuông góc với tom gỗ mặt đàn (cũng bằng
gỗ Spruce, và cặp tom của nó là những đường song song chạy dọc mặt đàn).
Đầu trên của Cột Âm cắt gọt vát theo độ cong của mặt đàn, tức là mé bên
trái cao hơn mé bên phải .
Đầu dưới của Cột Âm cắt gọt vát theo độ cong của lưng đàn, tức là mé bên
trái dài hơn mé bên phải .

Bây giờ đến chỗ lắp Cột Âm:
Lấy một sợi dây thép đường kính chừng 3 milimet, cắt một đoạn dài chừng
1 gang tay, uốn thành hình chữ S không cong nhiều quá, mà doãng thôi .
Một đầu cuộn lại thành hình tròn cỡ đồng xu để dễ cầm . Đầu kia đập bẹt
ra, mài giũa thành hình lưỡi rìu, lưỡi chêm vừa mỏng vừa hơi sắc . Đó là
dụng cụ để đầu sắc sẽ chêm vào Cột Âm, còn đầu có uốn thành vòng tròn
là tay cầm .
Phải coi Cột Âm mé nào quay ra phía lỗ F của mặt đàn, và đầu nào là đầu
trên của nó, thì có dấu vết ban đầu người thợ làm đàn đã cắm cái đầu
chêm vào rồi . Cắm cái đầu chêm vào đúng lỗ đó, chừng 1/3 chiều cao của
cột . Lùa Cột Âm qua khe chữ F mà lựa cho nó vào đúng chỗ .
Có thể làm vài thanh tre hay gỗ vót nhỏ như que đan, cùng giúp sức với
cây thép trên để đẩy chân chống vào đúng chỗ . Khi đúng chỗ rồi, thì Cột
Âm có một sức đứng ỳ (vì nó cao hơn hộp đàn một chút) khiến cho ta có
thể rút cây thép chêm ra được . Sau đó thì lắp ngựa và lên dây đàn cho
Cột Âm bị đè chặt vào chỗ, không thể tuột ra được. Các que khác cùng
giúp thanh thép chêm thì có thể lùa qua khe F bên trái, hay qua lỗ khoan
ở đít đàn.
Nói vậy thôi, chứ thường chỉ một cây thép chêm là đủ làm
được việc, và công việc đưa Cột Âm vào có thể chưa đầy 1 phút . Nếu
lóng ngóng và chưa quen, có thể Cột Âm rớt ra trong khi làm, và phải
lấy ra làm lại . Để tiện lấy ra, có thể buộc một sợi chỉ vào Cột Âm. Sau
khi chống xong xuôi, đưa một mũi dao nhỏ vào cắt sợi chỉ ấy đi.

Lý thuyết thì như vậy, ai khéo tay, đã từng làm các thợ như thợ mộc,
thợ rèn, thợ nguội, thợ chữa xe máy, chỉ nghe vậy là quá thừa hiểu
và làm được việt thật tốt . Nếu không từng trải, thì đưa đàn, Cột Âm
và lời chỉ dẫn trên cho một người thợ coi xem họ có làm được không,
thì thuê người ta làm.

Đó là kinh nghiệm tôi đã từng làm nhiều lần . Lần nhanh nhất có mấy
giây . Lần lâu thì phải làm 5-6 lượt, mỗi lượt mấy phút, vì phải kéo
sợi chỉ mà lôi Cột Âm ra. Lần lâu nhất thì cả tháng, vì tôi chêm vào
thi Cột Âm bị chẻ ra, phải lên eBay đặt mua mà cắt một cây Cột Âm
khác thay vào . Khi hàng về tới nhà, thì lúc ấy không rảnh, và không
có hứng lôi đàn ra lắp Cột Âm vào . Còn đang có cây Violin khác chơi
rồi, chẳng vội. Nói chung nếu bạn là người khéo tay, thì chỉ là chuyện
nhỏ thôi . Nếu không, là chuyện tày đình, phải bỏ ra hàng trăm đôla
để thuê thợ đàn lắp đặt cho. Tùy tính cách của mình thì việc khó cũng
dễ, việc to cũng nhỏ . Nêu vẫn còn baby, thì nhờ mẹ mang đàn đi chữa
ngoài tiệm .

By VietViolin
Thanks!
tobe continued.
http://hocnhac.net/4rum/showthread.php?t=1867&page=2

No comments: