Bạn Sỏi đá:
Cứ tập nhiều sẽ kéo hay - tức là ít lỗi, và có lỗi nhẹ thôi .
Hàng triệu người tập và chơi Violin, chỉ có vài người đếm trên đầu ngón tay mới không có lỗi thôi.
Nói thế có nghĩa là cả các thày giáo của bạn và của tôi cũng còn có lỗi, tuy không nặng đến nỗi
ta thấy được (người khác thấy), nhưng chưa được hoàn hảo, khiến họ không thể nổi tiếng được.
Ngày xưa tôi tập giây buông chỉ có vài chục giờ thôi . Người ta nói phải vài trăm giờ hay nhiều hơn
nữa, nhưng tôi không có ý đồ trở nên nổi tiếng, nên không tập nữa. Cái này còn tùy từng người .
Bạn chỉ tập vài giờ có thể bằng tôi tập vài chục giờ, nên bạn cứ nghe tiếng đàn của mình, rồi tự
quyết định lấy . Nghe thày là một chuyện, nhưng tập đàn cũng là một phần của cuộc đời mình, mà
cuộc đời mình thì mình phải quyết định lấy, chứ làm gì có thày nào quyết định cho mình được ?
À, mà tôi tập kéo cung, giây buông hay có bấm nốt, thì không theo phách nào cả . Thày dạy tôi,
tức là cha tôi, thì chỉ dặn kéo thật chậm thôi. Cha tôi không có trường lớp nào cả, nên có lẽ không
bằng thày của bạn . Tuy thế, lấy lý mà suy, thì tập kiểu của bạn được 2 cái lợi một lúc là kỹ thuật kéo
và kỹ thuật nhịp, còn kiểu tập của tôi thì chỉ tập trung vào mỗi một việc thôi .
Bạn hieuvo:
Bạn trích đoạn nào cần dịch ra thì tôi may ra mới giúp bạn được, chứ bây giờ muốn tôi làm từ điển âm
nhạc Violin thì quá sức tôi. Nhiều khi đoán mò ra còn hơn tra từ điển nữa đó . Cũng có khi đoán mò
cũng không ra, vì trình độ mình chưa đến chỗ ấy, thì tạm quay về nhà tập luyện, rồi sau đó xuống núi
trả thù cũng chưa muộn. Tôi không học trường lớp nhạc ở ViệtNam và ở Mỹ, nên ai nói gì kỹ thuật quá
thì tôi cũng chẳng cần hiểu nữa . Ví dụ ở đây các bạn dạy các Quãng, mà tôi chẳng bao giờ thuộc được.
Tôi không cầu tiến, nên thấy bở thì đào, thấy nạc thì vạc, thấy xương thì lùi. Làm việc với tôi, bạn nên
tấn công dồn tôi hết lối thì tôi mới chịu động tay động chân, chứ buông một câu gió thoảng thì tôi cũng
nhanh chân mà chuồn.
Bạn Meowtwo:
Kỹ thuật thứ nhất: Kéo cả bow, thật chậm, giây buông hay bấm nốt, sao cho tiếng to đều nhau .
Kỹ thuật thứ hai: Kéo 1/3 bow, đoạn đầu, đoạn giữa, và đoạn cuối, thật chậm, tiếng đều .
Kỹ thuật thứ ba: Kéo nửa bow.
Về ngón tay: bấm gam Đô suốt từ giây Sòn đến nốt Lá của giây Mí, rồi đi ngược lại.
Áp dụng 3 kỹ thuật bow vào kỹ thuật ngón tay này thì mất chừng nửa năm.
Tuy nói 3 kỹ thuật bow, nhưng vào các bài tập thì có rất nhiều kỹ thuật nhỏ để đạt được kỹ thuật trên,
như chuyển bow từ giây này sang giây khác, trở bow khi bấm nốt, áp dụng 3 kỹ thuật trên vào bài có
nhịp, vân vân. Có những bài rất hay, chủ yếu là bài hát, chỉ cần các kỹ thuật trên (luyện 5 năm), là đủ
chinh phục các sân khấu rồi. Nhiều nhạc sì Violin giỏi vẫn tập những bài cơ bản này. Những kỹ thuật cao
hơn thì ít xài, và nhiều người có tập, nhưng khi biểu diễn thì cố gắng tránh đi.
Nói chung, tôi sẽ không nói về các kỹ thuật chơi Violin nữa . Bạn cần chơi bài nào, cứ đưa lên cho mọi người
tham gia . Chúng ta cùng đóng góp ý kiến, vì một bài có thể chơi bằng nhiều cách, tùy theo tài năng của
mình, không bắt buộc phải chơi theo cách của người giỏi .
Bạn hieuvo2107:
Người tập đàn và người chơi đàn không bắt buộc phải đọc trôi chảy các nốt nhạc. Ví dụ những nhạc sỹ mù.
Tuy thế, người mù có chỗ không bằng người có mắt, nên họ cũng nghĩ ra các cách đọc bằng in chữ nổi .
Vì thế suy ra, ai cũng nên biết đọc, và nên đọc thật nhanh.
Chuyện chơi đàn mà thuộc lòng thì rất thường . Một bài thơ dài 1 trang giấy bạn có thể học thuộc lòng sau
suốt 8 giờ (một ngày) và đa số bà con chỉ cần học 4 giờ là thuộc làu làu. Một bản nhạc Piano một trang giấy
tương đương với một bản nhạc Violin nửa trang giấy, chơi đúng nhịp thì dài chừng 2 phút, nhưng tập thì
lâu hơn, và mỗi buổi tập có thể chơi 20 lần . Một tuần tập đều, bạn đã tập được 100 lần . Không chuyên
cần, và già như tôi, một tuần có thể tập 40 lần, và 2 tuần lễ có thể chơi tạm tạm được . Vậy đến khi chơi
được khá hơn để có thể biểu diễn bài ấy trước công chúng, thì ít nhất cũng có cả tháng trời, tập ít ra cũng
200 lần, làm sao mà chẳng thuộc, kể cả là đầu óc bã đậu đi nữa.
Kỹ thuật đọc nhạc nhanh rất có lợi khi mình học bài mới, và nhất là đi chơi với bạn bè cùng hội cùng thuyền.
Ví dụ, tôi đến một nơi đông người, có người kéo áo, mời đệm đàn cho họ hát một bài, và đưa bản nhạc cho
mình để tiện chơi cho dễ . Lúc ấy, trước khi người khác đang giới thiệu, rồi người hát đang chào mọi người,
thì mình đã phải liếc mắt nắm được bài hát này như thế nào rồi, và sẵn sàng kéo đoạn đầu (đoạn chủ đề) có
biến đổi để dạo nhạc, hay đoạn điệp khúc trước khi trở lại Tempo (nhịp của chủ đề), để người hát vào bài
dễ dàng và trơn tru. Đôi khi, người ta đưa bản đệm của đàn Piano, thì mình cũng tùy theo lúc đó có Piano
hay Guitar hay không mà đệm Violin cho phù hợp, không nên chơi trùng với họ. Như thế kỹ năng đọc nhạc
nhanh còn giúp mình phối khí nhanh và kịp thời nữa .
Dù thế nào, thì đọc nhạc nhanh cần có thời gian, không nóng vội được . Khi tôi học Piano và Violin, tôi đọc
rất dở, chủ yếu dựa vào thuộc bài . Tôi tập đến đâu thì nhớ (chưa thuộc được) đến đó, và giở trang nhạc
ra để nhớ những kỹ thuật mà chơi thôi . Mấy năm đầu, dù có mở bài mới ra, tôi cũng phải đếm lần từng
giòng mà đọc ra nốt nhạc . Tình hinh này cũng xảy ra với 100% các học sinh tôi dạy đàn . Tuy thế tôi đã
thấy đứa con gái của anh bạn tôi, chỉ tập mấy năm Piano mà đọc rất nhanh . Nó đôi lúc có thày, nhưng
phần lớn thời gian thì không có thày . Như thế có thể thấy đọc nhạc nhanh cũng không khó (với người
khác, nhưng khó đối với tôi) . Tôi khi nào chịu tập đàn, thì đọc nhanh lên một chút, và khi nào không chịu
tập đàn, thì đọc chậm lại . Nghe người ta chơi đàn, và tay cầm bản nhạc, thì biết được họ có chỗ nào sai
hay không, nhưng tự mình chơi bản đó, thì đọc không nổi (tuy rằng tay thì thừa sức chơi được).
l
Tôi không học lý thuyết nhạc suông, mà chỉ học chơi đàn thôi .
Tôi thừa biết những ai học lý thuyết suông thì chẳng hiểu biết gì cả .
Tôi chẳng tin bạn đã học được nhiều, và không cần học thêm nữa .
Nếu là thày dạy nhạc cho bạn, tôi cho bạn học lại từ ban đầu, và chỉ
những gì tôi dạy, mới được coi là bạn đã hiểu biết .
Chẳng nên hiểu là tôi cậy tài giỏi, mà là tôi đã có kinh nghiệm dạy nhiều
người rồi, kể cả người có bằng Master trên đại học, trong khi đó tôi chỉ
mới có bằng đại học thôi. Kinh nghiệm của tôi là: những gì lý thú, thì chỉ
cần học 1 lượt, nhưng những gì vô nghĩa, không lý thú, thì phải tập, trải
nghiệm nó nhiều lần mới hiểu và nhớ được . Ví dụ tập đi xe đạp, tập bơi,
là những động tác vô nghĩa, không thể nào chỉ học lý thuyết là xong .
Thí dụ cụ thể như bài tập Violin của bạn có ghi nhịp 2/4, thì mẫu số nói với
bạn rằng đơn vị tính phách là nốt đen, còn tử số cho biết mỗi nhịp có 2 phách .
Nốt đen có độ dài bằng nào, thì có thể ví dụ một con số cụ thể là một giây
đồng hồ (Đen = 60) hay là nửa giây đồng hồ (Đen = 120) . Nếu bạn không
có Metronome, thì lấy đồng hồ có kim giây ra mà tập cũng được . Con số 60
có nghĩa là một phút gõ nhịp 60 nhát . Con số 120 có nghĩa là một phút đánh
nhịp 120 lần .
Kéo trên Violin, thì bạn phải chơi những nốt đen này theo đúng nhịp của máy
(metronome) hay đồng hồ . Bài tập với bow, thì có thể tập chậm, mỗi nốt kéo
hết từ đầu đến cuối, dài 1 giây, chậm hơn nữa, mỗi nốt kéo hết 1 cung, dài 2
giây, hay 5 giây . Tập kéo nhanh, thì mỗi nốt dài 1/2 giây hay 4 nốt một giây .
Có những đoạn nhạc một giây kéo được 7-8 nốt, và mỗi nhát kéo bow chỉ kéo
một đoạn ngắn chừng một ngón tay hay nửa ngón tay thôi.
Nói như thế, có nghĩa nhịp điệu chỉ có giá trị tương đối khi chơi một đoạn nhạc
kéo dài vài giây . Bài chậm thì 1 đen kéo dài mỗi giây, nhưng bài nhanh thì 1 đen
kéo dài 1 phần của giây .
Trong bài này, nếu bạn học Violin, thì phải cả tháng, tập được hơn 2 chục bài, chứ
không dễ như học lý thuyết đâu .
Bài này anh thày giáo dạy cách kéo cung chuyển sang giây đàn khác .
Anh ta không dạy bấm nốt nhạc bài này .
Vả lại, bài này bấm nốt không có gì khó và khác thường cả .
Đó là vị trí thứ nhất .
Trên giây La, ngón trỏ bấm nốt Si, ngón giữa bấm nốt Đố, và ngón nhẫn bấm nốt Rế .
Trên giây Mí, thì các ngón lần lượt bấm vào nốt Fa, Son, La .
Bạn cần biết bài này là bài đầu tiên của giáo trình Suzuki, chứ không phải bài thứ mấy .
Trong này đã có người đăng giáo trình Suzuki rồi . Bạn download về mà nghiên cứu đã .
Tôi tóm gọn những điều anh ta nói như sau:
1- Cánh tay trên, cườm tay, và cung phải nằm trong một mặt phẳng, hay gần như vậy .
2- Khi kéo cung trên một giây đàn, thì mặt phẳng cánh tay và cung giữ nguyên không đổi .
3- Kéo một giây đàn nào, thì mặt phẳng cánh tay và cung có 1 góc độ cho giây đàn ấy .
4- Khi kéo cung chuyển sang giây đàn khác thì phải ngừng kéo cung,
không vừa chuyển giây vừa kéo cung.
Trong bài tập này, học sinh chỉ tập kéo đoạn 1/3 ở giữa cung mà thôi. Không tập kéo đoạn cung dài .
Có thể lấy giấy dán vào cần cung để chia cung ra làm 3 đoạn, rồi tập thì nhìn vào cung và chỗ đánh dấu đó .
Các vạch trên Violin thì chỉ đúng trong chính cái đàn đó thôi, không đúng với các đàn Violin khác .
Cũng như Guitar, đàn có hàng trăm cỡ khác nhau, thì độ dài các phím cũng hàng trăm cỡ khác nhau.
Ví dụ Violin có các cỡ 4/4, 3/4, 1/2, 1/16, vân vân, thì phím đàn 4/4 là dài nhất .
Trong các đàn 4/4 thì chẳng cái nào bằng cái nào cả, mà dài ngắn khác nhau, vì làm bằng tay,
tùy theo tùy hứng của nhà làm đàn . Ở nhà máy, mỗi một loạt Violin xuất xưởng thì chúng hoàn
toàn dài bằng nhau, nhưng bán ra khắp thế giới, thì bạn cũng khó tìm thấy 2 đàn của cùng 1 xưởng
cùng một series, để 2 cái đàn đó dài bằng nhau .
Trong cùng một đàn Violin, một khi bạn dịch cái Cầu (Bridge) hay con Ngựa đàn, thì khoảng cách
của các phím đàn bị thay đổi, hoặc dài ra, hay ngắn lại .
Muốn biết khoảng cách là bao nhiêu, hoặc là bạn tự nghe, nhờ người nghe, hay dựa vào một cái
máy lên giây điện tử, cho bạn biết tần số âm thanh bạn bấm ngón là bao nhiêu Héc (hertz).
Tuy thế, tôi đã nói nhiều lần ở những bài khác, vẽ phím bấm chỉ để cho học sinh mới học, có lợi
bấm ngón nhanh . Sau khi học sinh bấm ngón đúng rồi (chưa thể đúng nốt nhạc đâu) thì phải
bỏ các dấu phím đi, để học sinh luyện bấm đúng nốt nhạc . Bạn nếu học Guitar thì cũng biết là
bấm đúng phím đàn thì tiếng đàn cũng chưa hẳn là đúng đâu, nữa là Violin không có phím .
Những nốt nhạc Sòn, Rê, La, Mí có thể kéo giây buông, không cần bấm ngón.
Đến trình độ cao, các nốt đó thường được bấm ngón để tiếng mềm hơn, kêu ra từ da thịt của
ngón tay người, không kêu ra từ phím gỗ của đàn . Vì vậy, bấm ngón hay chơi giây buông là
tùy theo ý thích của bạn, hay tùy theo sự đòi hỏi của thày giáo (để dạy với từng học sinh).
Trong bài này, là bài thứ nhất cho học sinh mới học Violin, thì các nốt này đều không bấm ngón.
Trong bản nhạc, các nốt Fa đều là F# cả, không có nốt nào F thường . Nếu bạn đọc ra F thường,
thì bạn đọc sai rồi .
Bài này Suzuki soạn cho học sinh mới, nên mới tập chơi trên 2 giây đàn mà thôi . Sau đó mới dần
dần kéo lên các giây khác khó chơi hơn . Bài này vốn là dân ca Đức, là một đứa trẻ thơ nói đến Mẹ
nó, nên nét nhạc rất ngây thơ, trong sáng, dễ nghe . Mozart dựa vào đó mà viết ra 12 biến tấu
cho Piano . Rất nhiều người làm biến tấu cho bài này, trong đó có cả tôi, vì dễ làm biến tấu lắm .
Nó vốn ở gam Đô trưởng, nhưng vì Suzuki soạn lại, nên là ở gam La trưởng, là tông có 4 nốt thăng .
Học sinh mới học mà nhìn thấy có 4 nốt thăng thì hoa mắt chóng mặt, nên ông ta không viết 4
nốt thăng vào đầu giòng, mà chỉ khuông nhịp nào có nốt nào trong 4 nốt đó, ở đây là nốt FA, thì
ông ta mới viết vào thôi . Mỗi khi viết dấu hóa bất thường, thì nó có tác dụng suốt cho đến hết
khuông nhịp đó, hay cho đến khi có dấu khác vào nốt đó . Vì vậy, nốt Fa thứ 2 ở trong cùng một
khuông nhạc với nốt Fa thứ nhất cũng phải chơi Sắc (Sharp - thăng) như nốt Fa thứ nhất .
Học sinh thường không hỏi các câu hỏi của bạn đâu . Một giờ phải trả 30 đôla cho thày dạy, mà
hỏi như thế, thì số tiền trả cho bài này phải lên đến vài trăm đô . Học đến đâu, biết đến đấy .
Khi học xong phổ thông, nhìn lại, bại tự thấy nhiều điều thày giáo làm mà mình không hiểu .
Học gì cũng vậy, và học Violin thì cũng vậy . Sách viết cho học sinh thì khác, mà sách viết cho
thày giáo thì khác . Học trước thì biết trước, nhưng những cái thấm vào người, thì không hơn
bạn học cùng lớp là bao nhiêu đâu . Tuy vậy, ở đây không phải lớp học, bạn tùy tiện muốn hỏi gì
cũng được, chỉ cần hỏi đúng cụ thể vào bài là được, đừng hỏi chung chung những câu mà muốn
trả lời phải viết thành bài, hay thành hàng trăm trang giấy .
No comments:
Post a Comment